Hàng hoá là tất cả các sản phẩm được tạo ra sau quá trình lao động trực tiếp, gián tiếp của con người. Ngày nay, hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Một số khái niệm khác về hàng hoá
Nhà triết học Karl Marx định nghĩa hàng hoá là một món đồ có hình dáng và có khả năng thỏa mãn mong muốn của con người. Đồ vật để trở thành hàng hoá cần phải có những điều kiện sau:
– Hữu ích đối với người dùng.
– Có giá trị kinh tế.
– Độ khan hiếm.
Theo Karl Marx: “hàng hóa là sản phẩm của lao động, thông qua trao đổi, mua bán có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.”
Hàng hoá có thể được tồn tại theo dạng phi vật thể hoặc vật thể. Từ khái niệm này, chúng ta có thể đúc kết được, một món đồ bất kỳ để trở thành hàng hoá cần phải có đủ 3 yếu tố sau đây:
– Là sản phẩm của lao động.
– Thoả mãn nhu cầu sử dụng của con người.
– Thông qua việc mua bán và trao đổi.
Với sự thay đổi và phát triển không chỉ đời sống mà còn ở nhận thức của con người, khiến cho khái niệm hàng hoá ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn. Phạm trù của khái niệm hàng hóa dần mất đi ranh giới của sự hiện diện vật thể và gần như tiến đến với phạm trù giá trị. Sức lao động, tiền, cổ phiếu, bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem là hàng hoá trong khi không hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí đã nêu trên.
Hàng hóa có hai thuộc tính là gì?
Ở xã hội – kinh tế khác nhau thì sản xuất hàng hoá cũng có những bản chất khác nhau. Tuy nhiên một sản phẩm được cho là mang hình thái hàng hoá đều sẽ có 2 thuộc tính cơ bản nhất. Đó là giá trị sử dụng và giá trị.
Giá trị sử dụng
Giá trị sử dụng có thể hiểu là chức năng, công dụng của sản phẩm, yếu tố thỏa mãn nhu cầu người dùng. Ví dụ như giá trị sử dụng của quần áo là để mặc, của nước là để uống, của máy móc, trang thiết bị là để sản xuất,…
Mỗi vật cũng sẽ có nhiều thuộc tính không giống nhau. Do đó mỗi sản phẩm đều có thể có nhiều hơn một giá trị sử dụng. Ví dụ như gạo ngoài dùng để nấu ăn thì còn được dùng để ủ rượu hay chế biến cồn y tế,…
Giá trị sử dụng của một vật nào đó không thể phát hiện ngay trong một lúc. Mà nó được khai thác dần trong quá trình sử dụng cộng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Giá trị sử dụng của hàng hóa sẽ được thể hiện rõ thông qua quá trình sử dụng của con người. Nó đồng thời cũng là nội dung vật chất, của cải không bất kể hình thức xã hội. Karl Marx cón nói rõ: “Chỉ có trong việc sử dụng hay tiêu dùng, thì giá trị sử dụng mới được thể hiện.”
Con người dù ở bất kỳ thời đại nào cũng đều cần đến các giá trị sử dụng của hàng hoá để thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn của mình.
Một sản phẩm khi đã là hàng hoá thì buộc nó phải có giá trị sử dụng. Tuy nhiên không phải bất cứ vật gì có giá trị thì cũng được xem là hàng hoá. Chẳng hạn như ánh nắng mặt trời rất cần thiết nhưng nó không được xem như hàng hoá. Hay con người không thể sống nếu thiếu không khí, nhưng không khí không được xem là hàng hoá.
Như vậy, kết luận lại rằng:
Con người ở bất kỳ thời đại nào cũng đều cần đến các giá trị sử dụng khác nhau của vật phẩm để thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của mình. Một vật nào đó khi trở thành hàng hoá thì buộc phải có giá trị sử dụng. Đồng thời đó phải là vật được sản xuất ra với mục đích trao đổi và buôn bán. Hay nói cách khác là có giá trị trao đổi. Trong kinh tế hàng hoá thì giá trị sử dụng chính là vật mang trong mình giá trị trao đổi.
Giá trị
Muốn hiểu được bản chất của giá trị hàng hoá thì phải bắt đầu từ giá trị trao đổi. Karl Marx cho rằng: “Giá trị trao đổi trước hết biểu hiện ra như là một quan hệ về số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác”.
Ví dụ: 1 mét vải = 2 con gà. Vấn đề được đặt ra là tại sao gà và vải không cùng giá trị sử dụng nhưng lại có thể trao đổi được với nhau? Hơn nữa chúng lại được trao đổi dựa trên một tỷ lệ nhất định?
Nguyên tắc ở đây đó là khi hai hàng hoá mang hai giá trị khác nhau được trao đổi với nhau thì cần phải có chung cơ sở. Cái chung ở đây không phải là cùng chung giá trị sử dụng. Mà cái chung ở đây nằm ở giá trị của hai hàng hoá.
Nếu gạt bỏ qua giá trị hàng hoá thì vải và thóc có một điểm chung đó là chúng đều là sản phẩm được hình thành từ lao động. Để có thể sản xuất ra vải và gà thì người thợ may và nông dân đều phải sử dụng sức lao động của sản xuất ra chúng. Hay nói dễ hiểu hơn, sức lao động chính là cơ sở để đặt vải và thóc lên bàn cân so sánh và trao đổi với nhau.
Sở dĩ khi trao đổi thì cần phải trao đổi theo một tỷ lệ nhất định. Bởi vì người ta cho rằng hao phí sản xuất làm ra 1m vải bằng với hao phí sản xuất ra 2 con gà. Lao động hao phí sản xuất được ẩn giấu trong hàng hoá chính là giá trị của hàng hoá.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể kết luận rằng giá trị chính là sức lao động của người sản xuất ra hàng hoá, được kết tinh và hội tụ trong hàng hoá.
Vì vậy, có thể hiểu bản chất của giá trị chính là lao động, bất kỳ một sản phẩm nào không có sự can thiệp của sức lao động thì nó không được coi là giá trị. Sản phẩm nào tốn nhiều sức lao động thì giá trị càng cao. Giá trị hàng hoá chính là biểu hiện của mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hoá.
Hàng hoá có thể hiểu là sự thống nhất của hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng. Tuy nhiên đây lại là sự thống nhất của hai mặt đối lập với nhau.
Sự đối lập giữa hai thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng nằm ở chỗ: Người sản xuất ra hàng hoá và mang đi bán thì họ chỉ để ý đến giá trị hàng hoá đó. Nếu họ có quan tâm đến giá trị sử dụng thì mục đích cũng là để có được giá trị. Ngược lại thì người mua hàng hoá chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng của hàng hoá. Nhưng nếu muốn mua và sở hữu giá trị hàng hoá thì phải trả giá trị của hàng hoá cho người bán.
Nghĩa là quá trình thực hiện giá trị sử dụng hoàn toàn tách rời với giá trị. Giá trị sẽ được thực hiện trước sau đó mới đến giá trị sử dụng của hàng hoá.
Kết lại hàng hóa là gì?
Hàng hoá là tất cả các sản phẩm được tạo ra sau quá trình lao động trực tiếp, gián tiếp của con người. Ngày nay, hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hàng hóa có 2 thuộc tính đó là giá trị sử dụng và giá trị được quyết định bởi người mua và người bán.